Những ngày qua, nhiều người dùng tại Việt Nam phàn nàn về tình trạng không thể xác định được vị trí chip NFC trên điện thoại để thực hiện quá trình quét dữ liệu từ thẻ căn cước công dân (CCCD) nhằm hoàn tất yêu cầu xác thực sinh trắc học theo quyết định số 2345/QĐ-NHNN. Khi không thể xác thực, người dùng sẽ bị giới hạn số lần chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng trực tuyến là dưới 10 triệu đồng mỗi giao dịch và không thể quá 20 triệu đồng trong một ngày.
Để khắc phục khó khăn trong việc xác định vị trí gắn chip NFC trên mỗi điện thoại khác nhau, mới đây công ty Kalapa đã phát hành miễn phí công cụ tra cứu mang tên “Hướng dẫn 01 Trang”. Qua đó, người dùng có thể chủ động tìm kiếm thông tin về thiết bị mình đang sử dụng (điện thoại, máy tính bảng) để xem nơi phù hợp khi đặt thẻ CCCD lấy dữ liệu xác thực.
Danh sách này có dữ liệu của khoảng hơn 750 thiết bị di động hiện hành, tập trung chủ yếu vào 2 hệ điều hành iOS (dành cho iPhone của Apple) và Android (được sử dụng bởi hầu hết các nhà sản xuất còn lại).
Các bước thực hiện thao tác kiểm tra như sau:
Bước 1: Truy cập địa chỉ website của “Hướng dẫn 01 Trang” tại địa chỉ: https://nfc-guides.kalapa.vn/
Bước 2: Xác định thương hiệu (nhà sản xuất) và mã thiết bị đang sử dụng. Tại ô Hãng chọn tên nhà sản xuất thiết bị (ví dụ Apple, Samsung, Xiaomi, Oppo, Huawei…). Ô Dòng là nơi chọn kiểu máy. Người dùng cần chọn đúng hoặc gần nhất với thiết bị mình đang dùng (trong trường hợp không thấy dòng máy chính xác) bởi các thế hệ máy kế cận thường có vị trí xếp linh kiện tương tự nhau.
Bước 3: Nhấn vào nút Kiểm tra và đợi hệ thống trả về kết quả (khoảng 2 giây). Kết quả sẽ gồm hình ảnh chụp mặt lưng của thiết bị đã lựa chọn ở bước 2. Trên đó có kèm khung chữ nhật với viền đỏ, biểu thị vị trí đặt đầu đọc/chip NFC ở điện thoại tương ứng. Với hình ảnh trực quan này, người dùng dễ dàng xác định nên đặt CCCD vào vị trí nào để quá trình xác thực diễn ra thuận tiện nhất có thể.
Người dùng cũng cần lưu ý điểm sau: chạm chip vào vị trí quét NFC trên mặt sau của điện thoại theo hướng dẫn chọn vùng ở phần chọn smartphone; khi có tín hiệu rung, giữ nguyên thẻ cho đến khi có thông báo thành công. Sau đó chọn phần hướng dẫn tương ứng với hệ điều hành để coi cách hướng dẫn “tap chip” cho chính xác, nhanh gọn và đúng thời gian theo thiết kế của ứng dụng xác thực sinh trắc học của từng ngân hàng.
CEO Kalapa Nguyễn Thị Tuyết Nhung nói: “Hiện nay, vẫn còn nhiều người dùng chưa biết cách quét chip trên CCCD của mình nên gặp nhiều khó khăn khi tự xác thực sinh trắc học cho thẻ ngân hàng cá nhân. Với kinh nghiệm của công ty công nghệ chuyên làm các giải pháp xác thực eKYC, chúng tôi cung cấp công cụ hỗ trợ, hướng dẫn người dùng cách hoàn thiện việc xác thực CCCD, góp phần chung trong việc thúc đẩy số hoá, đặc biệt là ngăn chặn gian lận lừa đảo qua mạng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng“.
Khánh Linh