Thi công Trạm biến áp

Biện pháp thi công trạm biến áp là tập hợp các tài liệu chỉ ra các quy trình thi công lắp đặt trạm biến áp từ lúc thông báo khởi công tới tổ chức thi công lắp dựng và đóng điện hòa lưới điện cho trạm biên áp.

A. Quy trình và tiêu chuẩn

I. Quy trình, quy phạm áp dụng cho việc thi công, nghiệm thu công trình

Tổ chức thi công TCVN 4055-2012

1 Quy phạm nối đất và nối không các thiết bị điện TCVN 4756:1989

2 Quy phạm trang bị điện – Phần 2: Hệ thống đường dẫn điện. 11TCN 19-2006

3 Quy phạm trang bị điện – Phần 3: Trang bị phân phối và TBA. 11TCN 20-2006

4 Về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ

5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng. QCVN18:2014/BXD

II. Quy trình chuẩn bị thi công

1. Máy móc thiết bị

Danh sách thiết bị: Xe cẩu 01, Xe nâng điện 01, Xe nâng tay 01, Máy tời điện 01, Máy xúc 01…

2. Sơ đồ tổ chức

a. Chỉ huy trưởng

– Chỉ huy trưởng là người được Ban lãnh nhà thầu ủy quyền thay mặt nhà thầu điều hành mọi hoạt động và nhân sự tại dự án đảm bảo đáp ứng an toàn, chất lượng, tiến độ của dự án và sự hài lòng của Chủ đầu tư.

Nếu bài viết giúp ích cho bạn và cộng đồng xin hãy ủng hộ đội ngũ phát triển bằng một “nhấp chuột” vào link quảng cáo phía trên

b. Cán bộ kỹ thuật

– Cán bộ kỹ thuật thực hiện các nhiệm vụ để đảm bảo an toàn, tiến độ và chất lượng thi công trong phạm vi khu vực phụ trách, cụ thể như sau:

– Thực hiện kiểm tra điều kiện thi công (bản vẽ, mặt bằng, biện pháp thi công được duyệt, vật tư, nhân lực, tiện ích), đảm bảo các điều kiện thi công được đáp ứng trước khi tổ chức thi công;

– Thực hiện tổ chức, giám sát thi công (phân công điều phối nhân công thi công, hướng dẫn thao tác thi công cho công nhân (nếu cần), giám sát công nhân thực hiện đúng Biện pháp thi công đã được duyệt);

– Thực hiện kiểm tra, kiểm soát chất lượng thi công, lập biên bản hiện trường và theo dõi xử lý biên bản hiện trường;

– Thực hiện theo dõi quản lý công trình;

– Thực hiện kiểm soát tiến độ thi công, đảm bảo thi công đúng tiến độ;

– Thực hiện ghi chú các điểm thi công thực tế có điều chỉnh với bản vẽ chuyển Kỹ sư thiết kế;

– Thực hiện nghiệm thu nội bộ (khối lượng và chất lượng);

– Mời chủ đầu tư nghiệm thu các công việc thực hiện

– Thực hiện bàn giao đưa vào sử dụng;

– Thực hiện bàn giao cho đơn vị tiếp theo;

– Báo cáo hàng ngày tới Chỉ huy trưởng

c. Nhân viên ATLĐ, VSLĐ, PCCC

– Nhân viên ATLĐ, VSLĐ, PCCC thực hiện các công việc sau để để đảm bảo ATLĐ, VSLĐ, PCCC đúng kế hoạch đã đề ra:

– Hướng dẫn công nhân thực hiện các biện pháp đảm bảo ATLĐ, VSLĐ, PCCC;

– Giám sát công nhân thực hiện đúng các quy định ATLĐ, VSLĐ, PCCC;

– Lập biên bản xử lý, có quyền yêu cầu dừng thi công khi phát hiện vi phạm ATLĐ, VSLĐ, PCCC;

– Báo cáo hàng ngày tới Chỉ huy trưởng

3. Công tác chuẩn bị trước khi thi công

a. Họp nội bộ nhà thầu

Ngay sau khi có thư trúng thầu, Ban lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Nhà thầu sẽ chủ động tổ chức cuộc họp nhằm làm rõ vai trò trách nhiệm các phòng ban liên quan và của Ban điều hành công trường để Ban điều hành công trường thực hiện tốt các công việc như sau:

• Quyết định thành lập Ban điều hành công trường.

• Sơ đồ tổ chức Ban điều hành công trường.

• Phân công chức năng nhiệm của từng vị trí thuộc Ban điều hành công trường.

b. Tổ chức họp với nhà thầu chính

– Trong vòng 01 tuần kể từ ngày thành lập BĐHCT đề nghị họp thống nhất và ra mắt nhân sự và cung cấp thông tin liên lạc của người phụ trách bộ phận chức năng của nhà thầu chính.

– Làm việc với nhà thầu chính về nội quy công trường, kiểm soát vào-ra; chế độ báo cáo; biểu mẫu nghiệm thu được quy định như sau:

• Thống nhất nội quy công trường kiểm soát vào-ra, ban hành áp dụng và kiểm soát áp dụng;

• Thống nhất các biểu mẫu nghiệm thu, ban hành áp dụng và kiểm soát áp dụng;

• Thống nhất chế độ báo cáo, nội dung báo cáo, cách thức báo cáo và yêu cầu BĐHCT thực hiện.

– Khảo sát mặt bằng kho bãi để tập kết vật tư, vật liệu và thiết bị:

• Thống nhất mặt bằng tập kết khi vật tư/vật liệu/thiết bị về công trường, mặt bằng kho để vật tư/vật liệu/thiết bị.

– Kiểm tra các điều kiện triển khai thi công (xưởng gia công chế tạo, nguồn điện phục vụ thi công, an toàn-vệ sinh-phòng cháy trên công trường):

• Thống nhất phương án đảm bảo an ninh an toàn, vệ sinh, PCCC trên công trường.

– Lập bảng kê các công cụ, dụng cụ phục vụ công tác thi công và nghiệm thu.

– Lập Biện pháp thi công chi tiết:

• Căn cứ biện pháp thi công khi dự thầu và thực tế hiện trường để hoàn thiện lại bộ biện pháp thi công phù hợp nhất với hiện trường trình nhà thầu chính xem xét phê duyệt làm cơ sở triển khai thi công.

– Lập tiến độ thi công chi tiết:

• Căn cứ tiến độ hợp đồng phải lập bảng tiến độ thi công chi tiết trình trình nhà thầu chính xem xét phê duyệt làm cơ sở triển khai thi công.

– Chuẩn bị hồ sơ pháp lý (quản lý chất lượng, ATLĐ, PCCC,…):

– Đệ trình phê duyệt vật tư/vật liệu/thiết bị:

• Căn cứ tiến độ thi công lập bảng kế hoạch đệ trình phê duyệt vật tư/vật liệu/thiết bị và tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện đúng kế hoạch.

– Làm bảng vật tư, vật liệu mẫu của các hệ thống để trình phê duyệt:

• Thực hiện làm bảng vật tư, vật liệu mẫu của các hệ thống để trình phê duyệt theo kế hoạch trình duyệt vật tư/vật liệu/thiết bị.

– Triển khai bản vẽ thi công:

• Thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch bản vẽ thi công (bản vẽ shop).

• Hoàn thiện bản vẽ thi công (bản vẽ Shop) theo đúng kế hoạch;

– Nhận mặt bằng để triển khai thi công:

• Thống nhất quy trình bàn giao mặt bằng và tiến độ bàn giao mặt bằng.

• Thực hiện kiểm tra điều kiện thi công (bản vẽ, mặt bằng, biện pháp thi công được duyệt, vật tư, nhân lực, tiện ích), đảm bảo các điều kiện thi công được đáp ứng trước khi tổ chức thi công.

– Lập các tổ đội để triển khai thi công các hệ thống thuộc phạm vi gói thầu (gồm hệ điện, hệ cơ):

• Lập kế hoạch nhân lực thi công cần thiết cho các dự án theo từng giai đoạn cụ thể.

c. Làm việc với điện lực Hà Nam

Làm việc với điện lực Hà Nam về thời điểm đấu nối, kế hoạch cắt điện và đấu nối vào điểm đấu đã xác định nhằm ảnh hưởng ít nhất tới sự cung cấp điện của các dự án xung quanh có liên quan

Làm việc với điện lực Hà Nam về kế hoạch thí nghiệm thiết bị trạm biến áp thuộc gói thầu theo yêu cầu riêng của điện lực trước khi đấu nối và đóng điện vận hành

B. Biện pháp thi công trạm biến áp

I. Biện pháp thi công tổng thể

Để thuận lợi cho công tác thi công thuộc gói thầu cũng như công tác thi công của các Nhà thầu khác có liên quan thuận lợi, đáp ứng tiến độ, chất lượng, an toàn, Nhà thầu điện động lực sẽ thực hiện các biện pháp sau:

– Biện pháp thi công các công việc của gói thầu Nhà thầu sẽ chủ động lập trước khi thi công và sẽ trình nhà thầu chính phê duyệt nhằm đảm báo chất lượng thi công đúng theo yêu cầu thiết kế.

– Các công việc thi công, từng giai đoạn thi công, để đảm bảo công tác quản lý chất lượng Nhà thầu sẽ thực hiện công tác kiểm soát nội bộ chặt chẽ. Các yêu cầu chi tiết cho từng công tác lắp đặt được phổ biến tới kỹ thuật giám sát và các tổ trưởng thi công nhằm đảm thiết bị được lắp đặt chính xác đạt chất lượng cao nhất.

– Luôn luôn theo dõi sát quá trình nhập khẩu và mua sắm thiết bị vật tư để đảm báo tiến độ cấp hàng đúng theo tiến độ thi công được phê duyệt.

– Các công việc thi công xong phải được dọn dẹp sạch sẽ mặt bằng thi công trước khi bàn giao cho đơn vị tiếp theo. Rác thải phát sinh được thu gom sau mỗi buổi thi công và đưa về vị trí tập kết chung của công trường.

– Trong quá trình thi công luôn tuân thủ nội quy công trường về biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

– Các thiết bị điện sau khi lắp đặt xong và trước khi đóng điện vận hành phải được kiểm tra đo đạc các thông số, thí nghiệm theo yêu cầu. Khi đảm bảo các yêu cầu mới cho phép vận hành.

II. Biện pháp thi công chi tiết

Việc thi công gói thầu phải tuân theo đúng bản vẽ triển khai thi công đã được nhà thầu chính phê duyệt và những tiêu chuẩn, quy phạm, quy định hiện hành của nhà nước.Trong trường hợp tình hình thực tế khó khăn không thể thi công đúng thiết kế, Nhà thầu sẽ báo cáo nhà thầu chính phối hợp cùng đưa ra phương án giải quyết. Ý kiến giải quyết cuối cùng sẽ được Nhà thầu bổ sung vào bản vẽ triển khai thi công, nhật ký thi công và lập thành biên bản.

Tiếp nhận bàn giao mặt bằng từ nhà thầu chính bao gồm mặt bằng tuyến cáp và mặt bằng TBA đã xây dựng.

Chuẩn bị mặt bằng thi công tránh ảnh hưởng đến các công việc khác của bản thân Nhà thầu và các đơn vị thi công khác.

Thông báo kế hoạch, thời gian triển khai thi công với nhà thầu chính. Lập biển báo, biển hiệu công trường.

Bố trí cán bộ kỹ thuật kết hợp cùng cán bộ bên nhà thầu chính theo sát các công việc thi công trên công trường.

Nhân lực chuẩn bị là các công nhân đảm bảo đủ sức khỏe, đã qua các lớp tập huấn về quy trình thi công, biết vận hành các thiết bị máy móc thi công tương ứng.

Máy móc, thiết bị thi công đưa vào công trường phải tuân theo các tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước, được bảo quản và bảo dưỡng thường xuyên.

1. Thi công tuyến ống trung thế

Vật tư được tập kết và nghiệm thu trước khi triển khai thi công

– Phối hợp với nhà thầu chính trong công việc thi công rải ổng HDPE D195/150

– Sau khi hào cáp được nhà thầu chính đào theo đúng thiết kế, tiến hành rải ống

– Ống khi rải phải được kéo thẳng, nằm giữa hào cáp và định vị bằng cát để tránh xê dịch khi lấp đất hào cáp

– Xác định các góc cua của tuyến cáp để rải ống sao cho thuận lợi khi thi công về sau

– Các vị trí hố ga hay để chờ phải được bịt đầu ống không cho đất cát chui vào ống

– Cử cán bố phối hợp với nhà thầu chính trong việc lấp hào cáp để đảm bảo ống đi thẳng, không móp méo, không nổi ống…

2. Thi công kéo rải cáp ngầm

– Trước khi kéo rải cáp ngầm đơn vị thi công tiến hành kiểm tra toàn bộ mặt bằng thi công đảm bảo kỹ thuật thiết kế mới rải cáp ngầm.

– Cáp được vận chuyển bằng xe cẩu chuyên dụng đến vị trí thuận lợi cho việc ra cáp

Thực hiện quy trình thi công, kéo cáp đặt trên bàn quay ru lô cáp hoặc treo ru lô cáp bằng palăng, tó và kéo cáp bằng thủ công, máy tời hoặc máy xúc. Lực kéo được tính toán để không ảnh hưởng đến sợi cáp. Nếu kéo bằng thủ công, công nhân kéo đặt cáp lên vai, trung bình 2-5m/người. Người chỉ huy kéo cáp có khẩu lệnh dứt khoát bằng còi, cờ.

– Cáp đặt trên bàn ra dây, đặt ru lô cáp vào đúng vị trí thẳng trục, cuộn cáp phải xác định ở vị trí hợp lý, hạn chế số lần kéo cáp trở lại nhất là qua các công trình ngầm.

– Khi kéo tuyệt đối không để cáp chạm đất trầy xước, trường hợp qua các chướng ngại vật thì phải đặt con lăn, hoặc ròng rọc treo cáp, giá đỡ cáp vv… Kéo cáp ngầm qua các công trình ngầm và qua ống thép, phải có con lăn qua công trình ngầm.

– Cáp sau khi cắt xong, đầu cáp phải được bịt chặt bằng bịt đầu cáp, tại các vị trí này phải phân công người bảo vệ cho đến khi đấu nối và đóng điện xong. Khi kéo cáp phải bịt đầu cáp không cho nước, dầu và các tạp chất thẩm thấu vào bên trong của cáp. Cáp kéo để độ chùng 3%, tránh hiện tượng cáp bị chịu lực cơ học ở bên ngoài khi nền đất lún do phương tiện đi lại trên mặt đất. Phần dự phòng đấu nối tối thiểu 50cm mỗi đầu

– Đối với phần cáp ngầm chạy trên thang thực hiện kéo thủ công từ dưới lên trên bằng dây thừng.

+ Bắc giàn giáo 1 tầng dọc theo trục thang cáp để thực hiện kéo cáp

+ kéo đến đâu cố định cáp vào thang đến đó

– Đối với phần cáp đi trên máng cáp hiện có, thực hiện mở nắp máng cáp, kiểm tra các sợi cáp trên máng không xước, hở, rò điện. Nếu có thể thực hiện xếp lại gọn gàng trước khi kéo cáp mới

+ Bắc giàn giáo dọc trục máng cáp tới độ cao phù hợp, đưa cáp từ từ qua các vị trí giá treo máng cáp, xếp cáp gọn gàng khi kéo xong và đậy lại máng cáp

– Khi các công việc kéo rải cáp, lắp đặt thiết bị hoàn thành, ta tiến hành công tác đấu nối cáp ngầm

3. Lắp đặt thiết bị máy biến áp, tủ trung thế, tủ hạ thế

– Nhận bàn giao mặt bằng di chuyển, phòng TBA trước khi thực hiện lắp đặt thiết bị

– Đảm bảo bệ móng thiết bị thi công đúng thiết kế, đủ cường độ chịu lực, bằng phẳng

– Máy biến áp, máy phát điện, tủ RMU, tủ hạ thế, tủ bù, được vận chuyển bằng xe cẩu tự hành đến công trường và được nghiệm thu trước khi lắp đặt, việc vận chuyển tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận chuyển của nhà sản xuất, an toàn giao thông.

– Với đặc điểm mặt bằng công trình. Việc đưa MBA và tủ điện vào vị trí được kết hợp giữa xe cẩu, xe nâng và nhân công thủ công.

– Trong suốt quá trình lắp đặt luôn có cán bộ kỹ thuật giám sát công việc và an toàn, đẩy đủ biển báo.

Tiêu chuẩn sau lắp đặt phải đảm bảo:

+ Chiều cao phải đồng đều, đảm bảo độ vuông góc so với mặt sàn.

+ Loại bỏ độ nghiêng của tất cả các hướng.

+ Các khoảng cách với các cạnh bệ đỡ phải đồng đều, chắc chắn

Máy biến áp được lắp đặt trước khi lắp đặt vỏ bảo vệ, Khi lắp đặt vỏ bảo vệ đảm bảo không va chạm đến máy và các đầu ty sứ. Sau đó tiến hành lắp đặt thiết bị phụ như điện trở sấy, đèn báo…

Việc đấu nối cáp cao thế và hạ thế vào máy biến áp cần đảm bảo độ trùng cần thiết tránh tác động lực lên các ty sứ cao hạ thế tránh việc gây rạn nứt hoặc làm vỡ sứ. Làm đầu cáp cao thế cần được thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhà chế tạo và thực hiện bởi các công nhân lành nghề.

Việc kết nối thanh cái giữa các ngăn tủ hạ thế đảm bảo không bị cong vênh, các điểm tiếp xúc không tốt dẫn đến mô ve ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị. Các thanh cái khi liên kết

với nhau phải kín khít chắc chắn. Các ngăn tủ được liên kết chặt chẽ bằng các bu lông tại các vị trí có sẵn.

Kết thúc quá trình lắp đặt, do chưa đóng được điện do đó nhà thầu thi công sẽ tiến hành các biện pháp che đậy để bảo vệ các thiết bị.

– Riêng đối với ngăn tủ trung thế lắp đặt tại nhà trạm xưởng giai đoạn 2 do nằm trên tầng cao nên phải dùng cần cẩu tự hành lớn đưa thiết bị lên tấng mái của nhà xưởng và đưa vào vị trí bằng xe nâng tay đi qua các hành lang trong xưởng.

+ Việc kết nối ngăn tủ với dãy tủ hiện tại chỉ được thực hiện khi đã cắt điện, thực hiện nhanh chóng, an toàn, chắc chắn và không ảnh hưởng đến các ngăn bên cạnh

+ Việc làm đầu cáp kết nối được thực hiện sau khi đã kết nối ngăn tủ thành công

– Khi làm đầu cáp hạ thế vào tủ được giám sát chặt chẽ và do các công nhân chuyên nghiệp thực hiện. Đầu cáp được cố định chặt chẽ vào giá đỡ và đảm bảo khi lắp ghép với các thiết bị trong tủ không gây nên các hiệu ứng lực trên các thiết bị đó.

– Có biện pháp che đậy để các đồng hồ, rơle bảo vệ và các thiết bị dễ vỡ khác không bị va đập.

4. Thi công thang máng cáp

Kiểm tra các công tác xây dựng liên quan đến công tác lắp đặt máng điện đã được thực hiện xong.

Chuẩn bị biện pháp an toàn và dụng cụ thi công

Bản vẽ thi công về chi tiết lắp đặt đã được phê duyệt.

– Định vị tuyến máng trên mặt bằng, cao độ lắp, thứ tự lớp và khoảng cách giữa các máng. Loại máng cáp và chi tiết phụ kiện, như: giá đỡ, giá treo, nắp máng, chuyển hướng, chuyển cao độ, rẽ nhánh, tăng/ giảm, kẹp giữ, tấm nối, đệm.

– Định vị các tuyến máng điện theo bản vẽ thi công, xác định kích thước từ trục tham chiếu tại hiện trường. Vạch dấu vị trí lắp các chi tiết máng khống chế tuyến. Đánh dấu các điểm treo/đỡ máng và các vị trí cần khoan xuyên/ tạo lỗ kỹ thuật trên kết cấu.

– Khoan/ hàn vào kết cấu để lắp bu-lông nở và gắn giá treo/giá đỡ tại các vị trí đã đánh dấu. Phải chắc chắn đường máng thẳng và hướng theo các trục đã định vị sẵn.

– Lắp đặt máng điện trên các giá treo/đỡ máng đã lắp đặt và theo cao trình thiết kế

theo thứ tự ưu tiên lắp các chi tiết đầu cuối, góc và nhánh trước rồi mới lắp các đoạn thẳng nối giữa các chi tiết này lại với nhau sau

– Nối dây đẳng thế tại các mối nối máng (nếu có yêu cầu) Kiểm tra và hoàn thiện máng điện đã lắp đặt xong

– Công việc lắp đặt nắp thang máng (nếu có) được thực hiện sau khi đã thi công kéo cáp hoàn thiện

5. Làm đầu cáp, hộp nối

Công việc được tiến hành sau khi lắp đặt hoàn chỉnh thiết bị và kéo rải cáp

– Trước khi tiến hành nối cáp phải thực hiện đồng vị pha để kiểm tra thứ tự các pha

– Được thực hiện bởi thợ lành nghề, có chứng chỉ và kinh nghiệm lâu năm, tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát.

– Phạm vi thi công trong nhà khô ráo không ngập nước

– Sau khi thi công xong dọn dẹp các vật tư thừa và rác thải trong quá trình làm

– Bịt lại các phần đáy tủ, đáy trạm để tránh chuột, côn trùng

6. Thí nghiệm thiết bị trước khi đóng điện

Các hạng mục thí nghiệm đạt tiêu chuẩn là cơ sở để tiếp tục tiến hành các công việc tiếp theo. Công tác thí nghiệm gồm có :

– Thí nghiệm phần cáp ngầm trung thế

– Thí nghiệm cáp điện từ tủ trung thế sang máy biến áp

– Thí nghiệm cáp điện từ máy biến áp sang tủ hạ thế

– Thí nghiệm máy biến áp

– Thí nghiệm tủ trung thế

– Thí nghiệm hệ thống tiếp địa

– Các tiêu chuẩn thí nghiệm được căn cứ vào các tiêu chuẩn của điện lực tại thời điểm thực hiện

7. Nghiệm thu kỹ thuật và đóng điện

– Nghiệm thu kỹ thuật và đóng điện chỉ được tiến hành khi mọi công tác thi công đã hoàn thiện.

– Hội đồng nghiệm thu sẽ tiến hành kiểm tra các hạng mục theo tiêu chuẩn hiển hành. Nội dung công tác nghiệm thu bao gồm:

+ Kiểm tra đối tượng nghiệm thu tại hiện trường; kiểm tra các biên bản nghiệm thu công việc, cấu kiện có liên quan so với sự phù hợp với thiết kế và quy định của ngành điện.

+ Kiểm tra các kết quả thí nghiệm, đo lường để xác định chất lượng và khối lượng của vật liệu, cấu kiện, kết cấu bộ phận công trình, thiết bị.

+ Kết quả thí nghiệm, hiệu chỉnh, vận hành thử máy móc thiết bị lắp đặt trong công trình đã được ngành điện thí nghiệm.

+ Đối chiếu và so sánh những kết quả kiểm tra nêu trên với tài liệu thiết kế được duyệt, với quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng tương ứng của Nhà nước hoặc của Ngành Điện hiện hành và các quy định, chỉ dẫn kỹ thuật của nhà sản xuất vật liệu, thiết bị công nghệ

– Sau khi đảm bảo các yêu cầu hội đồng nghiệm thu xác nhận bằng văn bản và tiến hành đóng điện vào công trình

8. Nghiệm thu hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng

Thực hiện khi kết thúc việc xây dựng để đánh giá chất lượng công trình và toàn bộ kết quả xây lắp trước khi đưa công trình vào sử dụng.

– Nội dung công tác nghiệm thu khi hoàn thành xây dựng:

+ Kiểm tra hiện trường

+ Kiểm tra toàn bộ khối lượng và chất lượng so với thiết kế được duyệt.

+ Kiểm tra chất lượng hồ sơ hoàn thành công.

– Sau khi kiểm tra, nếu hạng mục hoặc toàn bộ công trình có chất lượng đạt yêu cầu thiết kế được duyệt, phù hợp quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn kỹ thuật được chấp thuận sử dụng và hồ sơ nghiệm thu đã được Điện lực có biên bản kiểm tra chấp thuận thì chủ đầu tư lập biên bản nghiệm thu theo quy định để tiến hành nghiệm thu và bàn giao công trình

Những người ký biên bản nghiệm thu phải là những người đại diện hợp pháp của cấp có thẩm quyền của các bên tham gia nghiệm thu.

C. Biện pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn vệ sinh môi trường

I. Biện pháp đảm bảo tiến độ

1. Huy động thiết bị và nhân lực

Nguồn nhân lực sử dụng để thực hiện dự án được thể hiện trong Bản vẽ Tiến độ thi công. Theo từng giai đoạn thi công cụ thể (lắp đặt thiết bị, hoàn thiện, …)

Việc bố trí số lượng, loại thợ sẽ được tính toán và sắp xếp sao cho thật phù hợp với khối lượng công việc yêu cầu và tiến độ thi công đề ra.

2. Biện pháp thi công đảm bảo tiến độ

Căn cứ vào tiến độ tổng thể, chúng tôi lập tiến độ thi công chi tiết cho từng hạng mục trong ngắn hạn

Hàng tuần, tháng các bên họp giao ban, bàn công việc và kiểm điểm tình hình thực hiện tiến độ. Những vi phạm tiến độ sẽ được phân tích sâu sắc, chỉ định rõ nguyên nhân và trách nhiệm thuộc

về ai, trên cơ sở đó tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất như: thay đổi bổ xung biện pháp thi công, trình

tự thi công; tập trung hơn nữa vật liệu, nhân công, máy móc, tiền vốn….

Để đảm bảo tiến độ cũng như đẩy nhanh công việc hoàn thành trước tiến độ được giao nhà thầu có biện pháp tăng ca làm đêm và tăng nhân lực để đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết với chủ đầu tư.

Trong các điều kiện thi công khác nhau (mưa bão, mất điện…) tùy từng điệu kiện cụ thể nhà thầu sẽ có các biện pháp để đảm bảo thi công

Thường xuyên phối hợp với các đơn vị khác (nếu có), với các đơn vị chức năng trong địa bàn để đảm bảo công tác thi công, công tác vệ sinh môi trường, công tác vận chuyển được thuận lợi.

II. Biện pháp đảm bảo chất lượng

1. Hệ thống quản lý chất lượng

a. Thông báo kế hoạch hàng về

– Phòng Vật tư thông báo thông tin về lô hàng về cho cán bộ phụ trách bộ phận vật tư của dự án, kỹ sư phụ trách trực tiếp, gồm các thông tin sau:

– Danh sách và số lượng vật tư, ngày giao hàng, thời điểm (ngày, đêm ) nhận hàng, phương tiện vận chuyển.

b. Kiểm tra chất lượng vật tư trước khi chuyển về công trình

– Phòng vật tư phối hợp cùng Cán bộ phụ trách bộ phận vật tư của dự án, kỹ sư phụ trách trực tiếp kiểm tra chất lượng vật tư trước khi vận chuyển vật tư về công trường theo quy

– Trường hợp vật tư không đạt chất lượng sẽ không cho vận chuyển vật tư về công trường, yêu cầu nhà cung cấp đổi vật tư.

c. Thủ kho chuẩn bị nhân lực, kho bãi, phương tiện tiếp nhận vật tư đảm bảo chất lượng, chuẩn bị các thủ tục nghiệm thu vật tư

– Chuẩn bị nhân lực, kho bãi, phương tiện tiếp nhận đảm bảo chất lượng vật tư, cụ thể:

– Kho được xây dựng chắc chắn kín đáo và tránh những chỗ có thể sinh ra nguồn nước.

– Nắm rõ được đặc tính hóa, lý của từng loại vật tư thiết bị để bố trí cho phù hợp, không làm suy giảm hoặc mất vật tư.

– Bố trí các vật dụng bảo vệ hay che chắn trong trường hợp trời có mưa.

– Đối với những vật tư, thiết bị có kích thước lớn như: Máy biến áp, tủ điện, cáp điện… Khi nhập hàng được căn cứ vào tiến độ thi công để tránh trường hợp để lưu kho trong thời gian quá lâu. Khi đã có mặt bằng lắp đặt, thì vận chuyển đến vị trí quy định và có phương án bảo vệ để sau đó tiến hành lắp đặt ngay.

– Cán bộ phụ trách bộ phận vật tư của dự án chuẩn bị các điều kiện để nghiệm thu vật tư, hoàn thiện thủ tục để chuyển vật tư vào công trường.

2. Quản lý chất lượng vật tư thiết bị

a. Nghiệm thu vật tư, đảm bảo chất lượng vật tư khi nhập vật tư về công trường

– Quy định bốc xếp, vận chuyển vật tư nhập về công trường nhằm đảm bảo chất lượng vật tư:

– Sắp xếp mặt bằng sạch sẽ và ngăn nắp gọn gàng.

– Hướng dẫn và kiểm soát việc xếp dỡ không làm suy giảm chất lượng vật tư.

– Bảo đảm các công cụ và cách thức xếp dỡ được sử dụng là phù hợp và không làm tổn hại đến sản phẩm được xếp dỡ.

– Hàng hoá trong quá trình xếp dỡ, di chuyển phải nhẹ nhành tránh va chạm, đổ vỡ.

– Không xếp hàng hóa quá cao.

– Các khu vực dễ có nước mưa hắt khi mưa lớn phải để hàng hoá trên giá/kệ và sử dụng các vật dụng che chắn.

– Khi vật tư đã vận chuyển về kho thì tổ chức nghiệm thu để đưa vào sử dụng trong công trình

– Lưu ý : đối với vật tư của chủ đầu tư cấp thì mọi công việc thực hiện như với hàng hóa do nhà thầu cấp, tuy nhiên phải có sự bàn giao của các bên có liên quan và thống nhất cách thức giao nhận cụ thể trước khi đưa vào kho của nhà thầu.

b. Biện pháp quản lý chất lượng vật tư, vật liệu và thiết bị khi đưa về công trường

– Sau khi kiểm tra bàn giao vật tư, nếu đạt thì Kế toán công trình lập Phiếu nhập kho.

– Thủ kho có trách nhiệm bảo quản vật tư trong kho nhằm đảm bảo chất lượng vật tư trong quá trình lưu kho theo quy định sau:

– Mặt bằng kho bãi của dự án rất là hạn chế nên nhà thầu sắp sếp theo trình tự theo các vật tư, thiết bị ưu tiên của các hạng mục điện.

– Bố trí giá, kệ chỗ để khô ráo cho những vật tư có giá trị lớn, không để chồng lên nhau, không để vật tư gần chỗ có nguy cơ bị hỏng hoặc mất.

– Thủ kho phải nắm rõ được đặc tính hóa, lý của từng loại vật tư thiết bị để bố trí cho phù hợp, đảm bảo chất lượng trong thời gian lưu kho.

– Xắp xếp vật tư khoa học, dễ lấy, dễ bảo quản. Những vật liệu nào nặng và thường xuyên sử dụng sẽ được bố trí gần vị trí cửa ra vào.

– Đảm bảo đủ ánh sáng trong kho, khi có sự cố mất điện phải có nguồn dự phòng trong trường hợp cẩn thiết.

– Thủ kho thường xuyên kiểm tra theo dõi vật tư, thiết bị trong kho, khi có phát hiện những hỏng hóc phải báo cáo với Ban chỉ huy công trường .

– Bố trí các bình bột, khí, tiêu lệnh theo tiêu chuẩn chữa cháy trong phạm vi kho đảm bảo an toàn khi có sự cố xảy ra.

c. Bảo quản đảm bảo chất lượng vật tư trong quá trình thi công; sau khi thi công đến khi khi bàn giao đưa vào sử dụng

– Quy định bảo quản đảm bảo chất lượng vật tư trong quá trình thi công

– Vận chuyển vật tư lên vị trí thi công phải an toàn, tránh va đập, trầy xước, rơi vỡ.

– Đặt vật tư vào vị trí an toàn trong quá trình thi công.

– Đối với những thiết bị lớn như Máy biến áp, tủ điện,… phải có phương án bảo quản tốt. Những thiết bị này có thể vận chuyển trực tiếp tới vị trí cần lắp đặt hoặc tới vị trí cần xe nâng vận chuyển lên vị trí lắp đặt.

– Quy định bảo quản đảm bảo chất lượng vật tư sau khi thi công đến khi khi bàn giao đưa vào sử dụng:

– Thực hiện che đậy, bảo vệ cho từng loại vật tư, thiết bị.

– Những khu vực đã thi công và được nghiệm thu thì sẽ bàn giao cho các đơn vị khác quản lý.

– Thường xuyên kiểm tra và có bộ phận bảo vệ vật tư, thiết bị khi chưa được bàn giao cho chủ đầu tư. Trong trường hợp bảo vệ của chủ đầu tư thì sau khi lắp đặt xong phải có sự giao nhận hàng ngày.

– Kết hợp với nhà cung cấp để vận hành, chạy thử theo đúng quy định.

III. Biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường

1. Các nguyên tắc làm việc

– Tất cả các đơn vị/ tổ đội chấp hành đầy đủ nội qui công trường, các yêu cầu cơ bản về ATLĐ và biện pháp thi công.

– Đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động như đội mũ bảo hộ, đi giầy và đeo & móc giây an toàn khi làm việc trên cao.

– Dùng đúng người có chuyên môn cho các công việc cụ thể,

– Tất cả công nhân phải tự kiểm tra trang thiết bị an toàn của bản thân trước khi trèo lên cao thi công

– Không được phép thi công khi thời tiết xấu như có giông tố, trời tối, mưa to, gió mạnh từ cấp

5 trở lên

– Tuyệt đối chấp hành mọi mệnh lệnh, yêu cầu an toàn của cán bộ an toàn và kỹ sư giám sát

2. Kiểm tra phương tiện & trang thiết bị làm việc

– Phải thực hiện nghiêm túc khâu này trước khi tiến hành công việc.

– Các phương tiện & trang thiết bị để làm việc đảm bảo ATLĐ bao gồm thang, sàn thao tác, thiết bị máy móc, trang thiết bị bảo hộ lao động ( mũ bảo hộ, giầy, giây an toàn,…) v.v…, dây điện, ổ cắm, phích cắm.

– Phải kiểm tra thường xuyên

– Kiểm tra theo yêu cầu qui định

– Phải kịp thời sửa chữa nếu phát hiện các phương tiện & trang thiết bị không đầy đủ và đảm bảo theo qui định.

3. Biện pháp vệ sinh môi trường trong quá trình thi công

– Giữ vệ sinh sạch sẽ phạm vi thi công

– Sắp xếp các loại vật tư-vật liệu, thiết bị máy móc gọn gàng ngăn nắp và phân loại để đảm bảo

ATLĐ & VSLĐ cũng như tạo hành lang an toàn

– Phải có biện pháp bọc che các đầu chờ…

– Hoàn trả mặt bằng đối với khu vực sử dụng làm mặt bằng công trường. San trả lại các bãi vật liệu sau khi lấy đất.

4. Quy định về an toàn lao động

– Toàn bộ công nhân trực tiếp và cán bộ chỉ đạo thi công phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu sau:

– Khi làm việc 100% công nhân phải mang bảo hộ lao động, khi trèo cao tuyệt đối phải đeo dây da an toàn.

– Quá trình làm việc phải tôn trong tuyệt đối quy trình, quy phạm, kỹ thuật thi công.

– Mỗi tổ thi công phải có một an toàn viên và thường xuyên nhắc nhở công nhân chấp hành nội quy an toàn.

Hy vọng với những thông tin trên, người dùng có thể hiểu rõ hơn về biện pháp thi công máy biến áp. Cũng như nắm rõ hơn về các kiến thức liên quan và sự cần thiết của hệ thống để có cái nhìn tốt hơn trong việc sử dụng cho doanh nghiệp hay gia đình. Để hiểu rõ hơn và được tư vấn cụ thể vui lòng để lại yêu cầu tại đây hoặc email diennuocthongminh.vn@gmail.com hoặc hotline 0983164104/ 0903229169 chúng tôi sẽ tư vấn, hỗ trợ và báo giá cụ thể phù hợp với nhu cầu của bạn;

Nếu thấy bài viết giúp ích cho bạn và cộng đồng xin hãy ủng hộ đội ngũ phát triển bằng một “nhấp chuột” vào link quảng cáo phía trên hoặc chia sẻ nội dung bài viết này https://www.youtube.com

2024-11-21T16:47:27+07:00 Categories: Điện hạ thế, Thiết kế Thi công|
Chỉ mục