Giám đốc khoa học Google: Việt Nam có lợi thế về AI

Giám đốc khoa học Google: Việt Nam có lợi thế về AI - Ảnh 1.

TS Jeff Dean cho rằng AI đang đem đến nhiều sự thay đổi mạnh mẽ – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Hội nghị GenAI Summit 2024 diễn ra ngày 18-8 tại TP.HCM, có sự góp mặt của các chuyên gia công nghệ hàng đầu thế giới.

Bài nói chuyện chính được quan tâm nhất trong hội nghị thuộc về TS Jeff Dean – giám đốc khoa học của Google, đồng sáng lập của nhiều sản phẩm phổ biến của Google như Google Translate, Google Brain hay Gemini.

Đây là lần đầu tiên chuyên gia nổi tiếng của Google này có mặt tại Việt Nam chia sẻ với giới đam mê khoa học, công nghệ trong nước.

TS Jeff Dean cho rằng sự phát triển của AI đang thay đổi mạnh mẽ các công nghệ máy tính nói chung.

Trước đây, nhiều người “chê” máy tính còn kém thông minh vì máy tính không hiểu được nhiều dạng thông tin, ngôn ngữ từ con người. Hiện tại, AI giúp máy tính có thể xử lý được nhiều dạng dữ liệu rất khó sử dụng.

Ông Jeff Dean chỉ ra 10 năm qua là khoảng thời gian các công nghệ AI chứng kiến nhiều bước tiến mang tính cách mạng.

Chẳng hạn ngay từ năm 2013, mạng thần kinh phức tạp sâu (AlexNet) lần đầu được công bố, tạo bước ngoặt cho công nghệ xử lý hình ảnh của AI, cải thiện độ chính xác từ 15,9% lên đến 63,3%.

Tương tự trong lĩnh vực nhận dạng giọng nói, TS Jeff Dean chỉ ra trong 5 năm, tỉ lệ xử lý lỗi từ ngữ của nhiều ứng dụng AI đã giảm từ 15,25% xuống chỉ còn 2,5%.

“2,5% thực sự hữu ích hơn nhiều. Rõ ràng nếu một hệ thống nhận dạng giọng nói của bạn chỉ sai 1 trong 7 từ sẽ rất khác so với sai 1 trong 40 từ”, ông Jeff Dean nói.

Theo ông, từ khả năng giải quyết những tác vụ riêng lẻ, các ứng dụng AI tạo sinh mới đang được phát triển theo hướng đa phương thức.

Đầu vào của dữ liệu có thể kết hợp giữa văn bản, âm thanh, hình ảnh, video, máy tính có thể đặt chúng dưới dạng chuỗi được mã hóa và sau đó trả lại kết quả bằng văn bản, hình ảnh, âm thanh…

Đặc biệt, AI có tiềm năng lớn tham gia vào lĩnh vực bán dẫn. Ông giải thích thiết kế một con chip mới hiện tốn thời gian, cần hàng chục đến hàng trăm chuyên gia trên nhiều loại chuyên môn khác nhau.

Khả năng “tự học” và xử lý dữ liệu, đa tác vụ của AI của AI có thể ứng dụng vào ngành bán dẫn để giảm nguồn nhân lực và tăng độ chính xác.

Chẳng hạn, AI có thể tham gia đánh giá một con chip có kích thước nào là tối ưu, tiêu thụ ít năng lượng nhất… Quan trọng hơn, một số thiết kế của AI được xử lý trong 24 giờ thay vì mất đến 60 tuần khi con người đảm nhiệm hoàn toàn.

TS Jeff Dean nói thêm: “Tiềm năng của AI trong việc biến đổi thế giới là rất, rất lớn. Và tôi nghĩ Việt Nam đang có lợi thế rất tốt với hệ thống giáo dục mạnh mẽ và đang thu hút rất nhiều người vào lĩnh vực này”.

Giám đốc khoa học Google: Việt Nam có lợi thế về AI - Ảnh 2.

Phiên thảo luận với sự góp mặt của nhiều chuyên gia công nghệ người Việt đang làm việc tại Google – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cho biết theo nghiên cứu về nền kinh tế số của Việt Nam, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 74 tỉ USD.

Trong sự phát triển này sẽ có đóng góp rất lớn của AI vào các lĩnh vực kinh tế số.

Ngoài ra, bà Ngọc cho rằng theo nghiên cứu của Thundermark Capital, Việt Nam cùng Singapore đang là hai đại diện của Đông Nam Á góp mặt nhóm 30 thế giới về nghiên cứu AI, mang đến nhiều cơ hội thu hút đầu tư về AI tại Việt Nam trong thời gian tới.

TS Vũ Duy Thức – đồng sáng lập New Turing Institute – cho rằng một thách thức cho phát triển AI tại Việt Nam là dữ liệu khi hiện tại nguồn dữ liệu đầu vào cung cấp để giải các bài toán dựa trên AI trong nước hiện chưa tối ưu.

Việc huấn luyện nhiều mô hình AI hiện vẫn đang sử dụng nguồn dữ liệu từ nhiều nước phát triển như Mỹ, châu Âu… khiến một số ứng dụng khi được áp dụng tại Việt Nam có độ chênh lệch.

Nhưng nhìn ở góc độ khác, theo TS Thức, Việt Nam cũng có lợi thế chính ngay khâu dữ liệu. Ở những nước như Mỹ, việc thu thập dữ liệu “sạch” cho các công nghệ như AI thường rất tốn kém. Ở Việt Nam hiện vẫn có thể thu thập dữ liệu “sạch” với chi phí rẻ.

Vì vậy, theo ông, cần có thêm một số hành lang pháp lý để mở đường cho việc tiếp cận các nguồn dữ liệu trong nước theo hướng vừa khuyến khích nhưng vẫn đảm bảo các quy định pháp luật Việt Nam.

Nguồn Báo Tuổi Trẻ

2024-09-02T07:16:07+07:00 Categories: Chia sẻ Đam mê|